Nguồn gốc Võ thuật Bình Định

Như đã trình bày, kỹ thuật phổ biến nhất trong võ thuật Bình Định là võ Ta, tức võ thuật của triều Nguyễn phổ biến ở Đàng Trong [cần dẫn nguồn]. Còn võ Ta thực sự được truyền vào và phổ biến ở vùng này từ thời nào lại là điều rất cần được nghiên cứu về mặt lịch sử.

Sự ảnh hưởng của võ học thời Tây Sơn chỉ gói gọn trong một vài dòng võ và trong một vài bài bản riêng biệt không phổ biến, không nên xem võ thuật của Tây Sơn là nguồn gốc của tất cả các dòng phái võ thuật Bình Định.

Nhận định về vai trò của võ học Tây Sơn đến Võ Bình Định, Võ sư Nguyễn Vĩnh Hảo có viết:

...Hầu như tất cả các thầy võ ở Bình Định đều cho rằng bài thảo bộ NGỌC TRẢN là bài thảo mực thước nhất, hoàn chỉnh nhất trong hệ thống tập luyện võ nghệ vùng Bình Định. Về chuyên môn chúng tôi đồng ý. Nhưng về lịch sử, tại sao chúng ta vừa cho rằng "đó là bài thảo thi của nhà Nguyễn" vừa lại khẳng định "đó là bài võ thuộc dòng Tây Sơn"? Sự võ đoán, hời hợt trong nghiên cứu là không thể chấp nhận được.Nhiều người cho rằng nhà Tây Sơn có phát sinh ra một dòng võ. Theo tôi việc phong trào Tây Sơn có phát sinh hay không phát sinh ra một dòng võ không hề giảm đi giá trị mà nhà Tây Sơn đã cống hiến cho dân tộc, cho đất nước. Chúng ta cũng đừng lợi dụng uy tín của nhà Tây Sơn để nêu lên những điều chưa được nghiên cứu rõ ràng, chính xác hoặc xác định một cách vội vã, phi khoa học. Làm thế là có tội với tiên nhân và cả với lớp người sau. Phong trào nông dân ở thế kỷ 18 do anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo là một phong trào rất to lớn, có ý nghĩa lịch sử lớn. Bởi vậy, dù muốn tìm hiểu một góc độ nào cũng cần có những kiến thức và hiểu biết cơ bản về dân tộc học, xã hội học, quân sự học… trong giai đoạn lịch sử đó. Được như vậy chúng ta mới giải quyết vấn đề xác đáng, cụ thể hơn...[1]

Mặc dù rất nhiều người học võ thuật Bình Định từng thọ giáo các danh sư có gốc từ Trung Quốc như Khách Bút, hoặc Tàu Sáu (Diệp Trường Phát). Tuy nhiên, những bài bản võ thuật phổ biến ở Bình Định không hề có trong các bài bản của võ thuật Trung Quốc kể cả danh từ lẫn kỹ thuật. Vì vậy, việc phát biểu của một số võ sư học võ Trung Quốc như "Võ Bình Định là võ Thiếu Lâm" hoặc "Võ Bình Định bắt nguồn từ võ Thiếu Lâm"[2] là không có cơ sở [3].